Tin tức

Cấp cứu lưu động cứu sống bé gái ở Phú Thọ sốc sau tiêm phòng Quinvaxem

Mới đây, đội cấp cứu lưu động Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống thành công một bé gái gần 6 tháng tuổi, nguy kịch tính mạng do sốc phản vệ sau tiêm phòng.

Bé gái may mắn đó là cháu Trần Vân Anh (Việt Trì, Phú Thọ), được người nhà đưa đến trạm y tế phường Nông Trang-Thành phố Việt Trì để tiêm phòng Quivaxem mũi 3. Gia đình cho biết, trước khi tiêm, sức khỏe cháu qua kiểm tra hoàn toàn bình thường. Sau khi tiêm xong, bé được theo dõi tại trạm y tế trong 30 phút và không không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên, 9h30 phút cùng ngày (tức là 1 tiếng sau khi tiêm xong), bé Vân Anh bỗng nhiên quấy khóc và xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường: chân tay lạnh, tím tái. Quá lo lắng, gia đình đưa con đến trạm xá rồi chuyển con đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Bé Vân Anh sức khỏe đã tiến triển tốt hơn. 

Tại đây, cháu Vân Anh được các bác sĩ chẩn đoán sốc sau tiêm phòng Quivaxem. Cháu được cấp cứu bằng đặt nội khí quản, thở máy, dùng adrenalin tiêm bắp nhưng tình trạng sức khỏe không cải thiện. Trước tình huống đó, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ ngay lập tức đã hội chẩn nhanh qua điện thoại với tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn-trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Chỉ 1 tiếng sau, đội cấp cứu lưu động bệnh viện Nhi đã kịp thời có mặt tại Phú Thọ.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Nam, khoa Hồi sức cấp cứu-người được lãnh đạo bệnh viện giao trọng trách hỗ trợ các đồng nghiệp tuyến dưới cho biết, “bé Vân Anh khi đó tình trạng sức khỏe rất xấu, cháu phải thở máy, chỉ số máy rất cao, phải dùng 4 loại thuốc trợ tim liều cao. Ngoài ra, cháu còn bị phù phổi, trào bọt hồng qua nội khí quản, da tái, chi lạnh, huyết áp không ổn định

Bác sĩ Nam và đồng nghiệp đang cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ 

Trong vòng 3 tiếng, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương một mặt  tích cực cấp cứu hồi sức cho bé bằng cách đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt huyết áp động mạch, một mặt tiếp tục duy trì các thuốc vận mạch, làm các xét nghiệm, truyền máu. Với những tình huống cấp cứu mà tính mạng người bệnh “chỉ cách tử thần trong gang tấc” lại phải vượt một quãng đường gần 100km mới tới được bệnh viện tuyến Trung ương, đội cấp cứu lưu động luôn đứng giữa 2 sự lựa chọn khó khăn: nếu để bệnh nhân ở lại thì không đủ điều kiện điều trị, nhưng nếu chuyển bệnh nhân đi thì với tình trạng mạch yếu, huyết áp không ổn định, cháu bé rất có thể ngừng tim dọc đường.

Khi nhận thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã đủ điều kiện chuyển lên tuyến trên, nhóm cấp cứu cùng các phương tiện đi kèm lập tức lên đường đưa cháu bé đến bệnh viện Nhi Trung ương để được các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Vân Anh vẫn còn dấu hiệu sốc, nhịp tim nhanh 238 nhịp/phút. Cháu được các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị bằng thở máy, bù dịch, duy trì thuốc vận mạch kết hợp lọc máu liên tục.

Đến nay, qua 1 tuần được các bác sĩ Hồi sức cấp cứu tích cực chăm sóc, sức khỏe của bé Vân Anh đã có dấu hiệu bình phục. Bé cai được hầu hết các thuốc vận mạch, các chỉ số máy thở giảm, cháu đã tự thở, tình trạng ổn định hơn.

Cứu người trước tiên, vất vả “ để mai tính”

Là nơi tập trung các bệnh nhi mà tính mạng  lúc nào cũng đứng giữa  gianh giới mong manh của sự sống và cái chết,  những tình huống bất ngờ luôn ập đến không báo trước khiến không khí làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu lúc nào cũng căng thẳng như dây đàn. Cả ngày các bác sĩ, điều dưỡng luôn tay luôn chân không ngừng nghỉ để theo dõi tình trạng bệnh nhi vì sức khỏe các cháu lúc nào cũng trong tình trạng rất phức tạp. Vất vả như vậy, nhưng hễ có bất kỳ ca bệnh nặng nào từ tuyến dưới nhờ hỗ trợ như trường hợp của bé Vân Anh, các anh đều cấp tốc đi ngay không quản mệt mỏi và thời gian.  Từ khi Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai đề án bệnh viện vệ tinh:  hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở thì các công việc các bác sĩ càng trở nên bận rộn. Những ca cấp cứu lưu động đã không còn xa lạ với họ nữa. Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn-trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chia sẻ: “ Dù có áp lực như thế nhưng vất vả mãi cũng thành quen. Trước mỗi bệnh nhân, chúng tôi chỉ suy nghĩ làm sao giữ được tính mạng các cháu. Đó luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu”.

*Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Lê Mai

  • Tweet

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý độc giả copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn chinhhinhnhitw.vn.
Copyright © 2022 - 2024 | chinhhinhnhitw.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status